Các chỉ số tài chính quan trọng mà CEO cần phải biết

Chỉ số tài chính thường được chia thành 2 loại: chỉ số thanh toán và chỉ số hoạt động, trong đó: Các chỉ số thanh toán cho biết liệu doanh nghiệp có nguồn tiền khoẻ và có khả năng thanh toán các nghĩa vụ phải trả ngắn hạn hay không. Các chỉ số hoạt động cho biết doanh nghiệp có đang hoạt động tốt hay không, có đang sinh lời và sử dụng hiệu quả tài sản của mình không. Dưới đây là những chỉ số tài chính quan trọng mà CEO không nên bỏ qua nếu muốn doanh nghiệp phát triển vững mạnh:  

I. Chỉ số thanh toán hiện hành (Current ratio)

Chỉ số thanh toán hiện hành = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn

Chỉ số này cho biết khả năng của một công ty trong việc dùng các tài sản ngắn hạn (tiền mặt, hàng tồn kho hay các khoản phải thu…) để chi trả cho các khoản nợ ngắn hạn của mình. Chỉ số này càng cao chứng tỏ công ty càng có nhiều khả năng sẽ hoàn trả được hết các khoản nợ. 

Current ratio nhỏ hơn 1 cho thấy công ty đang gặp khó khăn tài chính, có khả năng không trả được các khoản nợ khi đáo hạn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là công ty sẽ phá sản bởi công ty có thể tìm cách để huy động thêm vốn. Mặt khác, nếu chỉ số này quá cao cũng không hẳn là một tín hiệu tốt; có khả năng doanh nghiệp đang sử dụng tài sản chưa hiệu quả.

II. Chỉ số thanh toán nhanh (Quick ratio)

Chỉ số thanh toán nhanh=(Tiền và các khoản tương đương tiền + các khoản phải thu + các khoản đầu tư ngắn hạn)/Nợ ngắn hạn

Trong nhiều trường hợp, hàng hóa tồn kho không được quản lý chặt chẽ hoặc nhiều khi bị mất giá trị theo thời gian lưu kho. Bởi vậy, doanh nghiệp cần tính toán chỉ số thanh toán nhanh để xác định được tính thanh khoản để trả các khoản nợ ngắn hạn, mà không cần phải bán hàng tồn kho. Chỉ số này phản ánh chính xác hơn chỉ số thanh toán hiện hành.

20 CHỈ SỐ TÀI CHÍNH QUAN TRỌNG SẾP PHẢI BIẾT ĐỂ KIỂM SOÁT TÌNH HÌNH DOANH  NGHIỆP

(Ảnh minh hoạ)

Lưu ý rằng nếu chỉ số này nhỏ hơn hẳn so với chỉ số thanh toán hiện hành thì điều đó có nghĩa là tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào hàng tồn kho. Các doanh nghiệp bán lẻ là những ví dụ điển hình của trường hợp này.

III. Chỉ số thanh toán tiền mặt (Cash ratio)

Chỉ số thanh toán tiền mặt = Tổng số tiền mặt/Nợ ngắn hạn

Nhiều khi các khoản phải thu khách hàng cũng là một rủi ro lớn khi chúng ta gặp phải nợ xấu. Khi đó chúng ta sẽ rơi vào tình trạng không có khả năng chi trả các khoản nợ ngắn hạn, và sẽ vỡ nợ như thường. Bởi vậy, song song với 2 chỉ số trên, doanh nghiệp cần phải nắm được số tiền mặt doanh nghiệp đang dự trữ có thể giúp trả bao lần khoản nợ hiện tại.

 IV. Vốn lưu động (Working capital)

Vốn lưu động= Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn

Thay vì phép chia để tính current ratio, thì phép trừ ở đây sẽ giúp chúng ta nắm được số tiền mà tổ chức có thể sử dụng cho các hoạt động hàng ngày. Dĩ nhiên, con số này chỉ có ý nghĩa nếu như là con số dương. 

Đối với chỉ số hoạt động, một số chỉ số quan trọng bạn cần theo dõi là:

V. Lợi nhuận ròng (Net earning) 

Lợi nhuận ròng = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán – Chi phí hoạt động – Lãi suất – Thuế TNDN phải nộp 

Trong đó, chi phí hoạt động bao gồm chi phí vận hành chung, chi phí bán hàng, Marketing… Net earning là chỉ số cho biết lợi nhuận thực nhận của doanh nghiệp sau khi trừ đi tất cả các khoản phải trả. 

VI. Biên lợi nhuận thuần (Profit margin)

Biên lợi nhuận thuần = Lợi nhuận ròng / Doanh thu thuần

Chỉ số này cho biết mức lợi nhuận tăng thêm trên mỗi đơn vị hàng hóa được bán ra hoặc dịch vụ được cung cấp. Do đó nó thể hiện mức độ hiệu quả của hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp. 

VII. EBITDA

EBITDA là viết tắt của Earnings before interest, taxes, depreciation and amortization, tức là Lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao và các khoản giảm trừ. 

EBITDA = Lợi nhuận sau thuế + Thuế TNDN + Chi phí lãi vay + Khấu hao

Sở dĩ chúng ta quan tâm tới EBITDA là bởi các doanh nghiệp khác nhau sẽ có cấu trúc nợ-vốn, chính sách thuế và khấu hao tài sản khác nhau, bởi vậy các khoản lãi vay, thuế, khấu hao sẽ khác nhau. Để so sánh về hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp ở góc độ đầu tư, thì EBITDA sẽ là con số được ưa chuộng hơn.

Lưu ý doanh nghiệp khi nhìn vào con số EBITDA cần so sánh EBITDA trong thời gian dài và so với trung bình ngành để có cái nhìn chính xác về xu hướng thực tế. Bên cạnh EBITDA, doanh nghiệp cũng có thể theo dõi các chỉ số về EBTDA (lợi nhuận đã trừ thuế), EBIT (lợi nhuận đã trừ khấu hao và các khoản giảm trừ khác). 

VIII. ROA (Return on Assets)

ROA = Lợi nhuận ròng / Tổng tài sản 

Chỉ số ROA cho ta biết hiệu quả từ việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp, tức là trên mỗi 100$ tài sản của công ty ta thu được bao nhiêu lợi nhuận. Nói cho chúng ta biết hiệu quả từ việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp. Túm lại là mỗi $100 tài sản công ty thì ta thu lời được bao nhiêu đồng.

 IX. ROE (Return on Equity)

ROE = Lợi nhuận ròng / Tổng vốn chủ sở hữu

Chỉ số ROE cho ta biết các nhà đầu tư được lợi nhuận bao nhiêu trên số vốn họ bỏ ra. Nói cho chúng ta biết hiệu quả của việc sử dụng vốn chủ sở hữu. Nó nói cho chúng ta biết các nhà đầu tư sẽ kiếm được gì trên nguồn vốn họ đã bỏ ra. Chỉ số này cũng sẽ dễ đánh lừa chúng ta khi doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn vay quá nhiều.

 X. ROCE (Return on Capital Employed)

ROCE = Lợi nhuận ròng / Vốn sử dụng

Tỷ lệ thu nhập trên vốn sử dụng (ROCE) cho biết khả năng sinh lời của công ty và hiệu quả sử dụng vốn của công ty. Nói cách khác, tỷ lệ này đo lường mức độ một công ty tạo ra lợi nhuận từ vốn của mình. Tỷ lệ ROCE được coi là tỷ lệ lợi nhuận quan trọng và thường được các nhà đầu tư sử dụng khi sàng lọc các ứng cử viên đầu tư phù hợp.

Khác với ROE, vốn chỉ phân tích lợi nhuận liên quan đến vốn chủ sở hữu của công ty, ROCE còn xem xét đến các khoản nợ. Điều này giúp đánh giá hiệu quả tài chính tốt hơn đối với các công ty cần vay nhiều vốn để hoạt động.

XI. Tỷ lệ xoay vòng hàng tồn kho (Inventory turnover)

Đây là chỉ số thể hiện số lần hàng tồn kho được bán hoặc thay thế trong một khoảng thời gian nhất định. Chỉ số này đặc biệt quan trong với doanh nghiệp bán lẻ. Để tăng doanh thu, giảm chi phí hiệu quả, các nhà bán lẻ cần phải cân bằng lượng hàng tồn kho. Có quá nhiều hàng tồn nghĩa là số vốn “bị giam” trong kho cao. Ngược lại, nếu hàng tồn quá ít có thể dẫn đến mất doanh thu. Vì vậy, nắm được chỉ số Inventory turnover sẽ giúp bạn lên kế hoạch nhập hàng và quản lý kho hiệu quả.

Tỷ lệ xoay vòng hàng tồn kho = Doanh thu / Giá trị kho trung bình

Trong đó, giá trị kho trung bình sẽ được tính bằng công thức: (Giá trị kho đầu kỳ + Giá trị kho cuối kỳ) / 2