Vốn là một điều kiện tiên quyết để cho một doanh nghiệp có thể ra đời và hoạt động. Mỗi một loại nguồn vốn đều có chi phí và sử dụng nhất định. Do vậy, để có thể huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của mình, doanh nghiệp phải nghiên cứu từng nguồn vốn của mình, doanh nghiệp phải nghiên cứu chi phí của từng nguồn vốn cụ thể để từ đó xác định cho doanh nghiệp một cấu trúc vốn phù hợp với từng điều kiện cụ thể, từng giai đoạn của doanh nghiệp. Vậy những yếu tố bên trong nào ảnh hưởng đến cấu trúc vốn doanh nghiệp. Hãy cùng Vercon tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
I. Sự tăng trưởng của doanh nghiệp
Sự tăng trưởng được đo lường thông qua tốc độ tăng tài sản hay doanh thu của DN. Nếu DN đang trong giai đoạn tăng trưởng, các nhà đầu tư có thêm niềm tin vào DN, khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ bên ngoài càng lớn, trong khi doanh nghiệp đang rất cần nguồn tài trợ cho tài sản đang có xu hướng tăng lên của mình. Theo lý thuyết trật tự phân hạng (Pecking Order Theory), doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao thường có nhu cầu vốn nhiều hơn, trong khi nguồn lợi nhuận giữ lại không đủ nên vốn vay sẽ được sử dụng đến. Vì vậy, sự tăng trưởng tỷ lệ thuận với hệ số nợ của doanh nghiệp.
(Ảnh minh hoạ)
II. Quy mô của doanh nghiệp
Quy mô của doanh nghiệp thể hiện qua tổng tài sản, tổng doanh thu hay số lượng công, nhân viên. Doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay càng dễ, do đó những DN này có nhiều cơ hội huy động vốn từ bên ngoài hơn. Những doanh nghiệp đạt được quy mô lớn là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài, được biết đến nhiều và tạo được uy tín trên thị trường. Một quy mô doanh nghiệp lớn tương ứng với một tiềm lực tài chính vững mạnh, DN có điều kiện tiếp cận thị trường tài chính dễ hơn các DN có quy mô nhỏ. Điều này đúng với những thị trường thông tin bất cân xứng (thông tin của doanh nghiệp tới nhà đầu tư thường không đầy đủ và chính xác). Theo lý thuyết cân bằng tĩnh, quy mô tỷ lệ nghịch với khả năng phá sản của doanh nghiệp, vì với quy mô lớn, các hoạt động của doanh nghiệp sẽ đa dạng hơn, khả năng phá sản giảm. Đồng thời, khi đa dạng hóa hoạt động, DN có ít các thu nhập bất thường, có ít các thông tin bất lợi, do đó DN có thể vay nợ nhiều hơn.
III. Rủi ro kinh doanh
Rủi ro chính là sự chênh lệch giữa lợi nhuận thực tế với lợi nhuận kỳ vọng. Rủi ro kinh doanh được đo lường thông qua độ lệch chuẩn của lợi nhuận doanh nghiệp. Khi rủi ro kinh doanh càng lớn thì khả năng phá sản của doanh nghiệp sẽ cao hơn, niềm tin của các nhà đầu tư vào DN càng thấp, DN khó huy động vốn từ bên ngoài hơn, làm cho tỷ lệ sử dụng nợ giảm.
IV. Hệ số vốn chủ sở hữu
Thông thường người cho vay thích các doanh nghiệp có cấu trúc vốn nghiêng về vốn chủ sở hữu hơn, vì cấu trúc này hứa hẹn sự trả nợ đúng hạn đồng vốn mà họ đã bỏ ra cho vay. Khi tỷ lệ vốn vay nợ quá cao sẽ làm giảm độ tín nhiệm của người cho vay, do đó chủ nợ sẽ không chấp nhận cho doanh nghiệp vay thêm.
V. Cấu trúc tài sản
Nếu doanh nghiệp có tỷ lệ tài sản cố định hữu hình lớn thì người đi vay có thể giảm được rủi ro khi cho vay, đồng nghĩa với việc giảm chi phí tài chính, vì tài sản cố định hữu hình có thể được dùng làm tài sản thế chấp khi đi vay. Việc này đồng nghĩa, việc doanh nghiệp có tỷ lệ tài sản cố định hữu hình trên tổng tài sản lớn thì người cho vay sẵn sàng cung cấp các khoản vay hơn và như vậy tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu sẽ cao hơn.
(Ảnh minh hoạ)
VI. Trình độ và thói quen sử dụng nợ của nhà quản lý doanh nghiệp
Nếu nhà quản lý doanh nghiệp ưa thích và chấp nhận rủi ro, có trình độ quản lý tốt thì DN sẽ mạnh dạn sử dụng nhiều vốn vay hơn, khiến tỷ lệ nợ cao hơn. Theo lý thuyết trật tự phân hạng, thói quen của các nhà quản lý doanh nghiệp là thích tài trợ nội bộ hơn, nợ thường được ưu tiên phát hành đầu tiên và vốn cổ phần bán ra bên ngoài là sự lựa chọn cuối cùng, vì tài trợ nội bộ giúp DN sẽ không phải công bố thông tin và chịu sự giám sát theo luật như khi bán chứng khoán mới.
VII. Loại hình doanh nghiệp
Sự khác biệt về hình thức sở hữu trong các loại hình doanh nghiệp sẽ bị ràng buộc bởi những quy định có tính pháp lý về tư cách pháp nhân, điều kiện hoạt động, cơ chế vận hành và mục tiêu hoạt động. Do vậy, mục đích, điều kiện và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính của mỗi loại hình doanh nghiệp là khác nhau nên cấu trúc vốn sẽ khác nhau.
VIII. Đặc điểm riêng của ngành
Cấu trúc vốn giữa các ngành công nghiệp khác nhau thì khác nhau, các ngành càng sinh lợi cao thì càng ít sử dụng nợ vay. Có một số quy luật theo kinh nghiệm mang tính truyền thống đối với cấu trúc vốn của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Các tiêu chuẩn liên quan cụ thể đến sản xuất, kinh doanh, bán sỉ hay bán lẻ đã phát triển một phần từ việc công bố các tỷ số bình quân cho các ngành. Nếu không đạt được các tiêu chuẩn này thì sẽ khó huy động vốn hoặc chi phí sẽ cao. Một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ nợ trong cấu trúc vốn có tỷ lệ nghịch với tần suất phá sản trong ngành. Các doanh nghiệp phát sinh các dòng tiền ổn định qua chu kỳ kinh doanh thường có khuynh hướng có tỷ lệ nợ cao hơn. Hiện nay, các DN có khuynh hướng tập trung sát tỷ lệ nợ của ngành, có thể phản ánh phần lớn rủi ro kinh doanh mà một DN gặp phải là do ngành hoạt động ấn định.
IX. Chu kì sống và giai đoạn phát triển của doanh nghiệp
Sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp thường có tính quy luật nhất định trong vòng đời kinh doanh của nó, đó là các giai đoạn: Hình thành, tăng trưởng, phát triển ổn định và suy thoái. Mỗi doanh nghiệp cần tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của mình mà có quyết định tổ chức cấu trúc vốn hợp lý, đảm bảo tính hiệu quả và hạn chế các rủi ro trong kinh doanh. Thông thường, những DN ở giai đoạn hình thành thường có tỷ trọng nợ vay thấp, sau đó tăng dần ở giai đoạn tăng trưởng và phát triển, những giai đoạn suy thoái thường giảm dần tỷ trọng nợ trong cấu trúc vốn.
X. Khả năng sinh lời
Hiện nay, chưa có sự thống nhất giữa các lý thuyết về mối quan hệ giữa khả năng sinh lời và mức độ sử dụng nợ trong cấu trúc vốn của doanh nghiệp. Theo lý thuyết trật tự phân hạng thì các nhà quản trị tài chính doanh nghiệp thích tài trợ cho các dự án bằng nguồn vốn từ nội sinh hơn, sau đó mới đến nguồn vốn ngoại sinh. Ngoài ra, các DN có lợi nhuận cao không thích huy động thêm vốn chủ sở hữu nhằm tránh việc pha loãng quyền sở hữu. Điều này cũng có nghĩa là, các doanh nghiệp có mức sinh lời cao sẽ có tỷ lệ nợ vay thấp. Tuy nhiên, theo cách tiếp cận của lý thuyết đánh đổi (lý thuyết tĩnh), khi các DN có mức sinh lời cao, họ thích sử dụng nợ vay vì các yếu tố khác không đổi và họ sẽ tận dụng được lá chắn thuế nhiều hơn. Khả năng sinh lời được đo bằng chỉ tiêu tỷ suất sinh lời kinh tế của tài sản (BEP).
XI. Khả năng thanh toán
Khả năng thanh toán có thể ảnh hưởng khác nhau đến cấu trúc vốn của doanh nghiệp. Thứ nhất, các doanh nghiệp có khả năng thanh toán cao hơn có thể đảm bảo hệ số nợ cao hơn do Doanh nghiệp có khả năng tốt hơn trong việc đáp ứng các nghĩa vụ nợ đến hạn. Điều này chỉ ra mối quan hệ dương giữa khả năng thanh toán và cấu trúc vốn. Thứ hai, doanh nghiệp với các tài sản có tính thanh khoản cao hơn có thể sử dụng những tài sản này để tài trợ cho các dự án đầu tư.